Bối cảnh lịch sử Chiến_tranh_Trung_–_Nhật

Đại nguyên soái Tưởng Giới Thạch, Tổng tư lệnh Đồng minh trên chiến trường Trung Quốc từ năm 1942 đến năm 1945Khởi đầu chiến tranh

Lý do cho các hành động hiếu chiến của Nhật thật sự bắt đầu từ hệ thống quốc tế trong thế kỷ 19, lúc mà các quốc gia công nghiệp lớn mạnh như Anh, Pháp, Đức... đi theo chủ nghĩa đế quốc và thường xuyên xâm lược các xã hội phong kiến ở châu Á. Vào năm 1853, tàu chiến Mỹ đe dọa chiến tranh để ép Nhật phải chấm dứt bế quan tỏa cảng, tương tự như Ấn Độ và Trung Quốc trước đó. Nhật cũng phải chấp nhận các thỏa thuận thương mại có hại cho nền kinh tế và làm xói mòn chủ quyền quốc gia. Nhật phản ứng bằng cách nhanh chóng công nghiệp hóa và xây dựng một nhà nước hiện đại. Nhưng khi sức mạnh quốc gia tăng lên thì Nhật Bản cũng lại đi theo chủ nghĩa đế quốc, họ chủ trương bành trướng lãnh thổ, giành giật châu Á để các cường quốc phương Tây không thể ức hiếp họ trong tương lai.[37]

Người Nhật còn tin rằng họ bị các đế quốc phương Tây đe dọa vì lý do chủng tộc. Vào năm 1919, tại hội nghị hòa bình Paris, Nhật đã đưa ra một đề nghị để bảo đảm bình đẳng chủng tộc tại Hội Quốc Liên, nhưng Tổn thống Mỹ Woodrow Wilson đã ngăn cản đề nghị này. Cùng năm đó, hoàng thân Konoe Fumimaro, người trở thành thủ tướng vào năm 1937, đến thăm Mỹ, và nạn phân biệt chủng tộc mà ông chứng kiến khiến ông tin rằng Anh - Mỹ sẽ không bao giờ coi nước Nhật ngang hàng với họ. Ông viết “Người da trắng, đặc biệt là người Anglo-Saxon, căm ghét người da màu là một sự thật hiển nhiên, điều này rất rõ ràng ở Mỹ thông qua cách người Mỹ đối xử với người da đen”[37]

Nguồn gốc của chiến tranh Trung – Nhật có thể là Chiến tranh Thanh – Nhật diễn ra trong hai năm 1894–1895, khi Trung Quốc dưới triều Thanh bị Nhật Bản đánh bại phải nhường Đài Loan và công nhận Triều Tiên độc lập qua Hiệp ước Shimonoseki (Mã Quan). Nhật Bản cũng sáp nhập quần đảo Điếu Ngư / Senkaku vào đầu năm 1895 khi kết thúc chiến tranh trong thắng lợi (Nhật Bản tuyên bố quần đảo không có người sinh sống vào năm 1895).[38][39][40] Triều Thanh đang trong buổi hoàng hôn sụp đổ bởi các cuộc khởi nghĩa bên trong và chủ nghĩa đế quốc bên ngoài, trong lúc Nhật Bản đã trở thành một cường quốc sau công cuộc Minh Trị Duy tân.[41]

Trung Hoa Dân quốc

Trung Hoa Dân quốc được thành lập năm 1912 sau cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ hoàng triều Trung Quốc cuối cùng, triều đại nhà Thanh. Nước Cộng hòa non trẻ thậm chí còn trở nên suy yếu hơn bởi sự xung đột của các quân phiệt. Một vài sứ quân thậm chí còn liên kết với nước ngoài nhằm nỗ lực quét sạch các đối thủ khác. Ví dụ, quân phiệt Trương Tác Lâm của Mãn Châu hợp tác rộng rãi với Nhật để nhận viện trợ quân sự và kinh tế.[42]

Trung Hoa Dân quốc đã nhận được sự giúp đỡ từ những người cộng sản Liên Xô. Năm 1924, các cố vấn Liên Xô giúp thành lập một học viện quân sự ở gần Quảng Châu, nơi nhanh chóng giúp sản sinh ra một quân đội dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Cả Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Cộng sản đều xây dựng đảng của mình dựa trên mô hình Đảng Bolshevik, và ban đầu thành lập một liên minh. Năm 1926, khi liên minh Tưởng Giới Thạch - Đảng cộng sản tìm cách thống nhất Trung Quốc, quân đội Quốc Dân Đảng được Liên Xô hỗ trợ đã làm cho Nhật Bản lo sợ. Nhưng vào tháng 4 năm 1927, Tưởng bất ngờ quay sang tiêu diệt Đảng cộng sản, giết hại hàng ngàn người với sự giúp sức từ các băng đảng mafia ở Thượng Hải. Cuộc tàn sát đã khơi mào một cuộc nội chiến với Đảng cộng sản.

Cho tới đầu thập niên 1930, Trung Quốc trên thực tế bị chia thành 5 vùng kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo quân phiệt[43][44] Phe Quốc dân đảng kiểm soát khu vực xung quanh Nam Kinh và Thượng Hải, trong khi phe Quảng Tây kiểm soát Hồ Bắc, Hồ Nam và Quảng Tây. Tây Bắc quân của Phùng Ngọc Tường tiếp tục kiểm soát Thiểm Tây, Hà Nam và một phần của Sơn Đông và Trực Lệ, trong khi Diêm Tích Sơn kiểm soát Sơn Tây, Bắc Kinh và khu vực xung quanh Thiên Tân.[43] Trương Học Lương tiếp tục kiểm soát Mãn Châu như một quốc gia gần như độc lập. Các quân phiệt địa phương ở Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu thì vẫn tiếp tục cát cứ.[43][45]

Quân phiệt bị đánh bại Trương Tông Xương trở lại Sơn Đông vào năm 1929, nơi ông đã phát động một cuộc nổi dậy chống lại cấp dưới trước đây Lưu Trân Niên. Cuộc nổi loạn bị dập tắt nhanh chóng, nhưng nó cũng chứng minh sự quản lý không vững chắc của chính quyền Nam Kinh trên lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc.[46] Khi Tưởng Giới Thạch cố gắng cắt giảm quân đội và tập trung quyền lực vào chính phủ quốc gia ở Nam Kinh, các quân phiệt địa phương, với lực lượng quân sự của riêng họ, bắt đầu từ bỏ lòng trung thành với Tưởng và lập liên minh chống lại Quốc dân đảng.[44] Cuộc đấu tranh giành quyền tối cao này đã nổ ra xung đột vũ trang trong Trung Nguyên đại chiến năm 1929-1930. [47] Mặc dù Tưởng cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến đó, đảm bảo vị thế là người lãnh đạo duy nhất của toàn Trung Quốc, nhưng chủ nghĩa cát cứ địa phương và chủ nghĩa quân phiệt vẫn tiếp tục, làm suy yếu đất nước[48]

Nước Trung Quốc đất rộng dân đông, giàu tài nguyên nhưng lại đang bị suy yếu và chia cắt, đương nhiên trở thành mục tiêu mà Đế quốc Nhật Bản nhắm đến.

21 yêu sách

Năm 1915, Nhật đưa ra 21 yêu sách nhằm tăng cường quyền lợi chính trị và thương mại ở Trung Quốc được Viên Thế Khải chấp thuận.[49] Tiếp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật giành lấy khu vực ảnh hưởng của Đế quốc Đức ở Sơn Đông,[50] dẫn đến các phong trào biểu tình chống Nhật và biểu tình quần chúng trên khắp Trung Quốc. Trung Quốc dưới thời chính phủ Bắc Dương còn bị chia cắt không thể chống lại sự xâm nhập của nước ngoài cho đến Chiến tranh Bắc phạt năm 1926 – 1928, do Trung Quốc Quốc dân đảng đối lập ở Quảng Châu tiến hành với sự giúp đỡ hạn chế của Liên Xô.[51]

Sự biến Tế Nam

Bài chi tiết: Sự biến Tế Nam

Quốc dân Cách mệnh Quân do Trung Hoa Quốc dân Đảng thành lập đã tràn qua miền nam và miền trung Trung Quốc cho đến khi bị chặn lại ở Sơn Đông, nơi các cuộc đối đầu với quân đồn trú Nhật leo thang thành xung đột vũ trang. Xung đột này thường được gọi là Sự biến Tế Nam năm 1928. Trong khoảng thời gian đó, quân Nhật đã giết một số quan chức và pháo kích Tế Nam. Khoảng 2.000 đến 11.000 thường dân Trung Quốc và Nhật Bản thiệt mạng trong cuộc xung đột này. Mối quan hệ giữa chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc và Nhật Bản trở nên tồi tệ nghiêm trọng do hậu quả của sự biến Tế Nam.[52][53]

Xung đột Trung – Xô 1929

Xung đột từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1929 ở tuyến đường sắt phía đông Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng ở vùng đông bắc, dẫn đến Sự kiện Phụng Thiên và cuối cùng là Chiến tranh Trung – Nhật. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước lực lượng của Trương Học Lương không chỉ khẳng định lại quyền kiểm soát của Liên Xô đối với tuyến đường sắt ở Mãn Châu mà còn bộc lộ điểm yếu của quân đội Trung Quốc, điều mà Đạo quân Quan Đông của Nhật nhanh chóng nhận ra.[54]

Màn thể hiện của Hồng quân Liên Xô cũng khiến quân Nhật choáng váng. Mãn Châu là trọng tâm trong chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản. Chiến thắng năm 1929 của Hồng quân Liên Xô đã làm lung lay tận gốc chính sách đó và làm vấn đề Mãn Châu tái diễn. Đến năm 1930, Đạo quân Quan Đông nhận ra là họ sẽ đối mặt với Hồng quân đang dần mạnh lên. Giờ hành động ngày một đến gần buộc kế hoạch chinh phục vùng Đông Bắc của Nhật Bản được đẩy nhanh.[55]

Bắt đầu từ năm 1931, người Nhật đã dùng nhiều cớ khác nhau để chiếm quyền kiểm soát quân sự đối với toàn vùng Mãn Châu và đưa các nông dân Nhật sang đây định cư.

Đảng Cộng sản Trung Quốc

Năm 1930, Trung Nguyên Đại chiến nổ ra khắp Trung Quốc với sự tham chiến giữa các chỉ huy trong khu vực từng chiến đấu trong liên minh với Quốc dân Đảng, và Chính phủ Nam Kinh dưới thời Tưởng. Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây đã công khai chiến đấu chống lại chính quyền Nam Kinh sau vụ thảm sát Thượng Hải năm 1927 và tiếp tục phát triển lực lượng trong cuộc nội chiến này.[56] Chính phủ Quốc dân đảng ở Nam Kinh quyết định tập trung toàn lực trấn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua các Chiến dịch bao vây, theo chủ trương “bình định nội bộ trước, sau đó mới kháng cự bên ngoài” (tiếng Trung: 攘外必先安內, nhương ngoại tất tiên yên nội).[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Trung_–_Nhật http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/AJRP2.nsf/530e35f7e2ae... http://www.info.dfat.gov.au/info/historical/HistDo... http://warmuseum.ca/cwm/newspapers/operations/chin... http://www.zora.uzh.ch/17710/3/Angry_Monk_Disserta... http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-08/1... http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64172/64915/5815... http://www.news.cn/english/special/jnkzsl/index.ht... http://www.360guoxue.com:8080/tushuguan/Uploads/Do... http://www.americanforeignrelations.com/E-N/Embarg... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/1381991/...